NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ VÔ SINH NAM

ThS. BS. Dương Quang Huy – 0933847968 (Zalo – Viber)

Trong hầu hết các trường hợp Hiếm muộn nam, tinh trùng không thể đến được trứng (do tắc nghẽn) hoặc chất lượng tinh dịch kém (không có tắc nghẽn). Các nguyên nhân phổ biến nhất gây Hiếm muộn nam và phương pháp điều trị của nó sẽ ThS. BS. Dương Quang Huy chia sẻ dưới đây.

 

I. CÁC NGUYÊN NHÂN TẮC NGHẼN TRONG HIẾM MUỘN NAM

Con đường di chuyển của các tế bào tinh trùng ra ngoài khi xuất tinh, có thể bị tắc nghẽn ở một số nơi và biểu hiện là không có tinh trùng trong khảo sát tinh dịch đồ. Tắc nghẽn này có thể:

  • Tắc trong tinh hoàn, nơi các tế bào tinh trùng được sản xuất và trưởng thành
  • Tắc trong mào tinh hoàn, đoạn ống mang tinh trùng từ tinh hoàn đến ống dẫn tinh
  • Tắc tại ống dẫn tinh, đoạn ống vận chuyển tinh trùng đến tuyến tiền liệt

Các nguyên nhân phổ biến nhất của nhóm tắc nghẽn này là do nhiễm trùng (ví dụ: lậu, chlamydia, viêm tuyến tiền liệt, bệnh lao), hay do các dị tật bẩm sinh (khiếm khuyết đường ống dẫn tinh) hoặc do chấn thương cơ quan sinh dục.

Điều trị phụ thuộc vào vị trí tắc nghẽn. Phẫu thuật vi phẫu trên ống dẫn tinh có thể thiết lập lại con đường di chuyển thông suốt. Tinh trùng có thể được thu thập bằng cách trích từ tinh hoàn hoặc mào tinh hoàn.

Hình minh họa đường đi của tinh trùng trong cơ thể nam giới

  • Bệnh xơ nang

Bệnh xơ nang (CF – Cystic fibrosis) là rối loạn di truyền phổ biến nhất ở người da trắng. Những người đàn ông này có thể thiếu ống dẫn tinh ở cả hai bên. Điều này có nghĩa là các tế bào tinh trùng không có đường dẫn ra ngoài khi xuất tinh, do đó, dịch xuất tinh sẽ không có bất kỳ tinh trùng nào bên trong (azoospermia). Để mang thai, tinh trùng phải được thu thập trực tiếp từ mào tinh (PESA) hay từ tinh hoàn bằng sinh thiết (TESE). Trong trường hợp CF là nguyên nhân gây hiếm muộn nam, đối tác nữ cũng nên được kiểm tra di truyền cho CF. Hai vợ chồng chứa gene đột biến CF thì cơ hội có con với CF là 50%.

  • Triệt sản nam

Thắt ống dẫn tinh là một thủ thuật ngăn chặn đường kết nối mào tinh hoàn với ống dẫn tinh, để làm cho nam giới vô sinh. Trước đây, thủ thuật này đựơc xem là phép ngừa thai vĩnh viễn và không thể hồi phục. Hiện nay, phần lớn (99,5%) trường hợp có thể tái lập lưu thông bằng vi phẫu thuật.

  • Vấn đề với xuất tinh

Trong một số trường hợp, tinh trùng không thể đến niệu đạo dương vật. Nam giới có thể không xuất tinh, xuất tinh chậm hoặc tinh dịch có thể đi ngược vào bàng quang (xuất tinh ngược dòng).

Nguyên nhân có thể là do tâm lý, thể chất (ví dụ: rối loạn chức năng hệ thần kinh sau phẫu thuật hoặc chấn thương), hoặc liên quan đến sử dụng thuốc. Lựa chọn điều trị bao gồm thuốc và kích thích vật lý.

 

II. CÁC NGUYÊN NHÂN KHÔNG DO TẮC NGHẼN TRONG HIẾM MUỘN NAM

  • Bất thường nhiễm sắc thể

Nhiễm sắc thể giới tính bất thường có thể gây ra nồng độ testosterone thấp. Hội chứng Klinefelter là bất thường nhiễm sắc thể giới tính phổ biến nhất. Ở một số bệnh nhân, tình trạng này có thể gây ra các đặc điểm đặc trưng như chân tay dài, tinh hoàn nhỏ và phân bố lông kiểu nữ.

Điều trị cho nguyên nhân này là thu thập các tế bào tinh trùng trực tiếp từ tinh hoàn nếu có thể (TESE). Tế bào tinh trùng sẽ tìm thấy ở 50% số nam giới mắc hội chứng Klinefelter.

  • Khiếm khuyết di truyền

Nồng độ hormone sinh dục thấp ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới. Ví dụ, hội chứng Kallmann gây ra mức độ hormone sinh dục thấp. Đàn ông mắc hội chứng này thường có khối lượng cơ thấp, mệt mỏi, vô sinh, rối loạn cương dương, bốc hỏa và tuyến vú phát triển.

Phương pháp điều trị là bổ sung nội tiết tố sinh dục bằng cách tiêm có thể khôi phục hoàn toàn sự sản sinh tinh trùng (liệu pháp hormone).

Ngoài ra, việc tăng sức khỏe tổng quát, ví dụ, giảm cân, bỏ hút thuốc, điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục thường xuyên có thể cải thiện khả năng sinh sản.

  • Tinh hoàn ẩn

Khi một tinh hoàn không đi xuống bìu, tình trạng này được gọi là tinh hoàn ẩn. Đây là một khuyết tật bẩm sinh và có liên quan đến vô sinh. Tuy nhiên, nếu một người đàn ông chỉ có một tinh hoàn không đi xuống, thì khả năng làm cha của anh ta gần như tương đương với những người đàn ông bình thường

Khi tinh hoàn ẩn được chẩn đoán từ lúc nhỏ, phẫu thuật để di chuyển tinh hoàn từ bụng xuống bìu nên được thực hiện trong năm đầu tiên. Điều này có thể ngăn ngừa vô sinh sau này và giảm nguy cơ ung thư tinh hoàn. Nếu nam giới trưởng thành có tinh hoàn ẩn, phẫu thuật cũng cần đặt ra để tiện theo dõi tình trạng hoá ác và tối ưu hóa sản xuất testosterone.

  • Ung thư

Sự phát triển tế bào bất thường trong mô tinh hoàn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất tinh trùng. Điều trị ung thư cũng ảnh hưởng tương tự. Ung thư tinh hoàn hầu hết được phát hiện ở những người đàn ông trẻ tuổi và có liên quan đến chất lượng tinh dịch kém, tinh hoàn ẩn và hay gặp trong các gia đình có tiền sử ung thư tinh hoàn.

Điều trị là phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn. Đôi khi hóa trị bổ sung sẽ được sử dụng, cũng có thể làm giảm chất lượng tinh trùng. Nếu một người đàn ông bị ung thư muốn làm cha trong tương lai, một mẫu tinh dịch nên được thu thập và bảo quản trước khi tham gia phẫu thuật.

  • Giãn tĩnh mạch tinh

Giãn tĩnh mạch tinh là tình trạng giãn và xoắn của các tĩnh mạch dẫn lưu máu từ tinh hoàn. Tình trạng ảnh hưởng đến khoảng 2 trên 10 nam giới và được tìm thấy ở một phần tư nam giới có phân tích tinh dịch bất thường. Sự giãn to của các tĩnh mạch này có thể gây khó chịu, không thoải mái và có thể làm giảm chất lượng tinh trùng và suy giảm cả Testosterone

Tình trạng này ghi nhận ở 40% nam giới hiếm muộn, và lên đến 80% ở nam giới khó khăn trong việc kiếm đứa con tiếp theo.

Vi phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch tinh giúp trả nam giới về bình thường và có thể thụ thai tự nhiên.

  • Viêm nhiễm sinh dục nam

Nhiễm trùng ở niệu đạo, tuyến tiền liệt, mào tinh hoàn và tinh hoàn đều là những nguyên nhân tiềm ẩn gây vô sinh. Nhiễm trùng tạo ra các kháng thể có thể làm giảm chất lượng tinh dịch. Điều này có thể có tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản.

Khi xác định vị trí nhiễm trùng và vi khuẩn, việc điều trị chủ yếu là kháng sinh, loại trừ các yếu tố thuận lợi gây tái nhiễm.

 

III. TRÍCH XUẤT TINH TRÙNG VÀ BẢO QUẢN LẠNH

Đôi khi, tinh dịch phải được thu thập để điều trị khả năng sinh sản. Một số thủ thuật được sử dụng, tùy thuộc vào vấn đề cụ thể.

  • Trích tinh trùng từ tinh hoàn (TESE): phẫu thuật sinh thiết tinh hoàn. Tế bào tinh trùng có thể được lấy và sử dụng để điều trị khả năng sinh sản. TESE được thực hiện bằng cách sử dụng gây tê tại chỗ hoặc gây mê .
  • Chọc hút tinh trùng từ tinh hoàn (TESA): ống tiêm và kim tiêm được sử dụng để thu thập các tế bào tinh trùng từ mô tinh hoàn bằng cách tạo ra áp lực âm. TESA được thực hiện bằng cách gây tê cục bộ.
  • Micro-TESE: kỹ thuật này phức tạp hơn vì nó cần kính hiển vi phẫu thuật. Micro-TESE được sử dụng cho những người đàn ông có số lượng tinh trùng rất thấp trong tinh hoàn bởi vì việc tìm kiếm các tế bào tinh trùng sẽ thuận lợi hơn. Nó được thực hiện bằng cách sử dụng tê tuỷ sống hoặc gây mê toàn thân.
  • Mở bìu trích tinh trùng từ mào tinh (MESA): các tế bào tinh trùng được chiết xuất trực tiếp từ mào tinh hoàn bằng kính hiển vi. Họ có thể được kiểm tra ngay sau khi thu thập. Thủ tục được thực hiện bằng cách sử dụng gây tê tại chỗ hoặc mê toàn thân.

Nếu không có quy trình nào có ích cho bạn, thì tinh dịch từ người cho có thể được sử dụng để đạt mục tiêu mang thai.

Hóa trị và xạ trị có thể ảnh hưởng đến DNA tế bào và làm hỏng tinh trùng. Nếu một người đàn ông đang chờ hóa trị hoặc xạ trị cho bất kỳ bệnh ung thư, có thể lưu trữ tinh dịch để sử dụng về sau.

Bảo quản lạnh được sử dụng để trì hoãn sự lão hóa tế bào và sự chết tế bào. Quá trình này làm dừng chuyển hóa tế bào bằng cách đóng băng. Mẫu tinh dịch được thu thập trong một lọ chứa vô trùng. Quá trình bảo quản lạnh bắt đầu ngay sau khi mẫu được thực hiện. Khi cần dùng mẫu, mẫu được làm tan trong bể nước ở 37 độ C trong 10 phút.

Leave a reply