TINH HOÀN ẨN & LẠC CHỖ Ở TRẺ NHỎ

ThS. BS. Dương Quang Huy – 0933847968 (Zalo – Viber)

Tinh hoàn ẩn là một dị tật bẩm sinh thường gặp nhất ở trẻ em nam, bệnh chiếm khoảng 3% ở trẻ sơ sinh nam đủ tháng và có thể tăng lên đến 30% ở những trẻ sinh thiếu  tháng.

Sau sinh, sự đi xuống bìu của tinh hoàn vẫn tiếp tục xảy ra trong năm đầu và chủ yếu trong 3 tháng đầu của đời sống nên một số lớn tinh hoàn ẩn sẽ tự đi xuống bìu (khoảng 74% ở trẻ sinh đủ tháng và 95% ở trẻ sinh thiếu tháng, tinh hoàn ẩn sẽ tự đi xuống bìu sau sinh).

Sau 1 tuổi khả năng đi xuống bìu không còn nữa nên suất độ bệnh ở trẻ sau một tuổi thấp hơn so với lúc mới sinh và bằng với suất độ ở người lớn là 0,8-1%.

Tinh hoàn ẩn có thể xảy ra 1 bên hay 2 bên, tinh hoàn ẩn 2 bên chiếm 1/3 trong tổng số tinh hoàn ẩn. Ở tinh hoàn ẩn 1 bên, người ta nhận thấy bên phải thường gặp hơn chiếm tỉ lệ 70% và bên trái là 30%.

Hình 1: Tinh hoàn ẩn 1 bên (trái hoặc phải)

Dựa vào vị trí ẩn của tinh hoàn, chia làm 2 nhóm:

  • Tinh hoàn ẩn sờ thấy : là những tinh hoàn ẩn nằm thấp, có thể sờ thấy qua khám lâm sàng: tinh hoàn ẩn trong ống bẹn, ngoài lỗ bẹn nông hay những tinh hoàn lạc chỗ. Thể này chiếm khoảng 80% trong tinh hoàn ẩn.
  • Tinh hoàn ẩn không sờ thấy : là những tinh hoàn ẩn nằm cao trong ổ bụng hay ở lỗ bẹn sâu, không thể sờ thấy qua khám lâm sàng. Tinh hoàn thể cao chiếm tỉ lệ khoảng 20%.

Một số yếu tố ảnh hưởng làm tăng tần suất bệnh như: trẻ sanh non, trẻ sinh nhẹ cân, trẻ sinh đôi, mẹ dùng estrogen trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Theo Kolon TF (2002), 7% anh em trong gia đình của trẻ bị tinh hoàn ẩn cũng bị mắc bệnh này.

BIẾN CHỨNG NẾU KHÔNG ĐIỀU TRỊ

– Giảm khả năng sinh sản: Bình thường tinh hoàn nằm trong bìu, nơi nhiệt độ luôn thấp hơn nhiệt độ của cơ thể 2-3oF. Trong trường hợp tinh hoàn không xuống bìu và nằm ở những vị trí bất thường, do ảnh hưởng bởi nhiệt độ, dòng tế bào sinh tinh (tế bào mầm sản sinh tinh trùng) sẽ thoái hoá nhanh chóng.

– Ung thư tinh hoàn: Khả năng ung thư xảy ra trên tinh hoàn ẩn cao hơn rất nhiều so với tinh hoàn đã đi xuống bìu, tỉ lệ tăng từ 10 – 20 lần, có tác giả ghi nhận tăng lên gấp 40 lần. Tinh hoàn ẩn càng nằm cao, tỉ lệ ung thư càng tăng, khả năng xảy ra đối với tinh hoàn ẩn trong ổ bụng cao hơn gấp 4 – 6 lần so với tinh hoàn ẩn ở những vị trí khác. Phẫu thuật hạ tinh hoàn không làm giảm tỉ lệ ung thư tinh hoàn nhưng có thể giúp phát hiện bệnh sớm nếu xảy ra vì đã đặt tinh hoàn vào vị trí dễ sờ nắn.

– Thoát vị bẹn: Bình thường sau khi tinh hoàn xuống bìu, ống phúc tinh mạc sẽ thoái hoá và bít lại. Ở bệnh nhân tinh hoàn ẩn, khoảng 90% có sự của tồn tại của ống phúc tinh mạc và nếu không điều trị, khả năng bị thoát vị bẹn gián tiếp sẽ tăng cao. Tinh hoàn ẩn thể cao thường kèm bất thường về mào tinh và tồn tại ống phúc tinh mạc.

– Xoắn tinh hoàn: Nguy cơ xoắn tinh hoàn tăng cao do thiếu sự kết dính của tinh hoàn vào bìu và do bất thường của mạc treo tinh hoàn hay bất thường của dây chằng tinh hoàn-bìu.

Hình 2: Tinh hoàn ẩn bên trái bị hoại tử do xoắn thừng tinh.

ĐIỀU TRỊ: Chủ yếu là phẫu thuật.

– Phẫu thuật nội soi: khi không sờ thấy tinh hoàn và không thấy tinh hoàn trên các phương tiện chẩn đoán hình ảnh (Siêu âm, CTscanner).

– Phẫu thuật mở: Khi sờ thấy hoặc khảo sát hình ảnh học thấy tinh hoàn ở ống bẹn.

 

Leave a reply