ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VÀ RỐI LOẠN CƯƠNG
ThS. BS. Dương Quang Huy – 0933847968 (Viber – Zalo)
Rối loạn cương (RLC) là tình trạng gặp phải khá phổ biến ở nam giới bị đái tháo đường (ĐTĐ). Trên thực tế, nam giới bị bệnh ĐTĐ có khả năng xuất hiện RLC cao gấp 4 lần so với những người không bị ĐTĐ. Họ cũng có xu hướng xuất hiện RLC sớm hơn 10-15 năm và mức độ rối loạn nếu có cũng sẽ nặng hơn.
Những khó khăn về cương cứng liên quan đến bệnh ĐTĐ do nhiều yếu tố kết hợp như thần kinh, xơ vữa động mạch, rối loạn nội mạc, rò tĩnh mạch và nồng độ testosterone thấp.
1 – Yếu tố thần kinh
Trong tình huống bình thường, khi một người đàn ông bị kích thích tình dục, một thông điệp truyền qua hệ thống thần kinh của nam giới để báo hiệu khởi động cho quá trình cương cứng. Đối với nam giới bị tác động bởi yếu tố thần kinh trong dương vật, sự lan truyền này sẽ bị gián đoạn và dương vật không đáp ứng theo cách điển hình.
Các chuyên gia không biết tại sao bệnh lý thần kinh xảy ra ở bệnh nhân ĐTĐ. Một số người tin rằng các protein dị thường được hình thành bởi lượng đường trong máu cao gây ra tổn thương thần kinh. Đường trong máu cũng có thể gây trở ngại cho việc dẫn truyền thông tin.
2 – Xơ vữa động mạch
Xơ vữa động mạch là tình trạng dòn cứng, hoặc dày lên của các động mạch. Khi nam giới cương cứng, dương vật của anh ta se được bơm đầy máu. Các động mạch là một phần quan trọng của quá trình này, khi chúng mở rộng để đáp ứng kích thích tình dục và cho phép máu đi vào. Các tĩnh mạch sẽ co lại để giữ máu trong dương vật cho đến khi người đàn ông xuất tinh. Sau đó, máu mới rời khỏi dương vật và chảy ngược trở lại cơ thể.
Xơ vữa động mạch sẽ gây khó khăn cho máu đi vào dương vật. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng này, lưu lượng máu có thể không đủ cho việc cương cứng để nam giới có thể thực hiện quan hệ tình dục.
3 – Rối loạn nội mạc
Nội mạc là lớp tế bào lót mặt trong thành mạch máu, bao gồm cả các mạch máu bên trong dương vật. Đường huyết cao có thể làm hỏng lớp nội mạc này, gây cản trở cho việc bơm máu vào dương vật để tạo thành sự cương cứng. Đường huyết cao cũng có thể gây trở ngại cho việc sản xuất oxit nitric (NO), là một hợp chất quan trọng cho việc cương cứng. Không đủ NO có thể góp phần làm rối loạn chức năng nội mạc.
4 – Rò tĩnh mạch
Rò tĩnh mạch xảy ra khi tĩnh mạch không thể giữ đủ máu trong dương vật để có thể duy trì sự cương cứng thích hợp. Như đã nói ở trên, tình trạng cương cứng là kết quả khi máu chảy vào dương vật. Tĩnh mạch thường co thắt để giữ máu bên trong cho đến khi nam giới xuất tinh. Một sự rò rỉ tĩnh mạch sẽ làm thoát máu từ dương vật, hồi lưu về lại cơ thể và sự cương cứng sẽ không còn giữ vững.
Sự rò rỉ tĩnh mạch gây ra do những vấn đề từ mô cơ trơn. Mô cơ trơn cần phải giãn để có thể giúp dương vật cương cứng tốt. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nam giới mắc bệnh ĐTĐ có ít mô cơ trơn hơn và các mô này không phải lúc nào cũng ở trạng thái thư giãn.
5 – Nồng độ Testosterone thấp
Testosterone thấp cũng là một vấn đề phổ biến khác đối với nam giới bị ĐTĐ. Testosterone là một hoóc môn giới tính ảnh hưởng đến tình dục của nam giới. Thiếu hụt testosterone có thể dẫn đến RLC.
Nam giới mắc bệnh ĐTĐ và bị RLC được khuyến khích gặp bác sĩ nam khoa. Đôi khi, tình trạng cương cứng sẽ cải thiện khi nam giới lựa chọn lối sống khỏe mạnh, như tập thể dục nhiều hơn, kiểm soát lượng đường trong máu tốt và bỏ hút thuốc lá. Ngoài ra còn có một số phương án điều trị RLC. Bác sĩ nam khoa có thể tư vấn cho bạn hướng điều trị nào là tốt nhất.
Việc đảm bảo lối sống lành mạnh cũng có thể giúp cương cứng theo những cách khác. Ví dụ, thể thao có thể cải thiện sức khỏe tinh thần, ngoại hình, nhiều sức sống, kết quả là nam giới sẽ tự tin hơn trong tình dục và cương cứng có thể tốt hơn.
Leave a reply
Most Commented